15 thg 7, 2013

Trở lại với sự kiện “Cô ả bốc lửa trong cái hĩm”

Ai quan tâm đến mỹ thuật, có lẽ, ít nhiều đều biết đến Mona Lisa (hay còn gọi là La Joconde) của Leonardo da Vinci (1452-1519). Một tác phẩm được xem là bất hủ, vô giá-đang được bày trang trọng tại bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp.

Vậy mà, Marcel Duchamp (1887 - 1968) lại dám quẹt râu lên Mona Lisa. Dù rằng chỉ quẹt lên những tấm postcard, nhưng trong mắt nhiều người, bởi đó là “hành động có ý thức”, lại “tái diễn nhiều lần” (trong 2 năm liền, Duchamp tung ra hàng trăm postcard như vậy), nên rõ ràng là “không thể tha thứ cho được!”… Đó là người ta chưa chú ý đến mấy ký tự Latinh viết dưới hình Mona Lisa trên postcard-“LHOOQ”. Ban đầu, người ta không biết ý nghĩa thực sự là gì-cứ như là bùa chú! Nhưng đến khi có người phát hiện, “LHOOQ”, đọc theo âm tiếng Pháp thành “Elle a chaud au cul”, thì thực sự là “kinh hoàng” ! Công chúng nghệ thuật xôn xao, giới trí thức hàn lâm phẩn nộ…!


“Elle a chaud au cul”, dịch ra tiếng Việt, nghĩa là “Cô ả bốc lửa trong cái hĩm”!





Tại sao Duchamp lại làm như thế?

Thời đó, người ta hỏi, Duchamp cứ trả lời tưng tửng, lúc thế này lúc thế khác:

- Leonardo da Vinci là một người đồng tính. Mona Lisa tại sao cũng không thể là một người đồng tính ?!

- Ảnh tranh của Leonardo da Vinci chứ có phải ảnh tượng Chúa đâu? Mà là ảnh tượng Chúa thì đã sao ?

- Quí vị có thể cho Mona Lisa như thế là đẹp. Còn tôi, thấy cô nàng phải có thêm mấy cọng râu nữa mới đẹp !

- Mona Lisa ở điện Louvre là đúng rồi. Nó xứng đáng ở đó. Và nó chỉ nên ở đó !

- V.v…
  
“Đúng là đồ tâm thần!”- lúc ấy, nhiều người đã nói như thế.

Giới phê bình nghệ thuật xã hội chủ nghĩa sau đó, kéo dài đến những năm gần đây thì cho, đó là ví dụ điển hình cho sự suy đồi của nghệ thuật tư sản. Thứ nghệ thuật của “tâm lý hoảng loạn”, “đổ vỡ niềm tin” và ‘đứt gãy về mặt tư duy” v.v…

Còn đối với những người hứng thú với Duchamp, theo Duchamp, thì đó là trò nghịch ngợm. Chẳng phải chính Duchamp đã nhiều lần tuyên bố “nghệ thuật chỉ là trò chơi”. Và ông, đã cứ “chơi” như thế với những Readymades, những Performance Art…

V.v…

*

Marcel Duchamp trong lịch sử nghệ thuật phương Tây thế kỷ 20 là một hiện tượng không đơn giản. Càng ngày, người ta càng thấy ở ông một tác động mang tính giải phóng triệt để. Giải phóng con người ra khỏi sự giam hãm tù túng của những truyền thống với những biểu tượng mộng mị đầy quyền lực. Và, cả ra khỏi những dự phóng đầy mầu sắc huyễn hoặc của những giá trị đặc tuyển, những ảo tưởng đại tự sự sinh thành bởi những hệ tư tưởng và được nuôi dưỡng bởi những hoang tưởng về khả năng vô tận của con người… Một nổ lực giải phóng, trả con người trở về với điểm khởi đầu phi gia tốc trong tính nội tại, khôi phục bản thể hồn nhiên nơi tư duy-căn để của tự do nhân tính… Ông không “phá phách” để mà “chơi”. Ngay cả cái tuyên ngôn “nghệ thuật chỉ là trò chơi” của ông, cũng là sự phá phách chẳng phải chỉ để “chơi” chút nào… !

*

Trong tầm nhìn hậu hiện đại, hành động quẹt râu Mona Lisa của Marcel Duchamp là hành động:

- Giải toả cái tâm lý tôn thờ ảnh tượng phổ biến nơi số đông (Chẳng mấy người trực tiếp nhìn thấy Mona Lisa. Đa số chỉ nhìn thấy qua ảnh và chỉ nghe nói đến. Sự ngưỡng mộ của họ đối với Mona Lisa, chỉ là sản phẩm của ảo tưởng do kiến thức mang lại, và, của tâm lý nô lệ…)

- Đập phá một biểu tượng đã trở thành quyền lực có tác dụng kìm hãm sự tự do phát triển của một hệ hình thẩm mỹ cũ kỹ…

- Khẳng định cái quyền nhìn nhận và phát biểu cách riêng của người xem-con người nói chung-trước mọi giá trị…

*

Không phải ngẫu nhiên mà càng về sau (Ít nhất từ những năm 80 của thế kỷ trước) người ta càng nhất trí cho Marcel Duchamp là nhân vật đáng nói nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây thế kỷ 20, mà ảnh hưởng, chắc hẳn sẽ còn lan rộng, lâu dài sang thế kỷ 21 !






Nguyên Hưng
(2012)

Không có nhận xét nào: