18 thg 7, 2013

Curator — thế giới của những “thằng đểu” ?!

Đọc lại bài 1: Lại nói chuyện “Người” và “Nghề” curator


Đọc đoạn trên, không ít người, đặc biệt các hoạ sĩ, chắc hẳn khó chịu. Mà khó chịu cũng phải. Một mặt, nó trái với một cách nghĩ phổ biến: “hữu xạ tự nhiên hương” — đã là “người tài” thì sẽ hiện ra tác phẩm, mà đã hiện ra tác phẩm, thì sớm muộn gì cũng được nhìn thấy, đón nhận — “ồn ào mà làm gì!”, “curator mà làm gì!”...Mặt khác, nó khơi dậy những kinh nghiệm khó chịu: sự sáng tạo hình ảnh người hoạ sĩ không thông qua tác phẩm, xưa nay và ở đâu cũng vậy, thường là những gì hết sức giả tạo. Nó mang tính chất “trình diễn” và ý nghĩa chỉ là huyễn hoặc rồi sẽ tan đi rất nhanh. Nó chỉ cần thiết cho những kẻ thực dụng, những kẻ khôn ngoan, thậm chí là của những “thằng đểu” — những kẻ không thực sự yêu ai nhưng luôn tỏ ra đa tình v.v...

Tôi sẽ đề cập kỹ hơn về những chiêu thức “sáng tạo ảo ảnh” về mình — từ cách làm cho “cao sang”, cho “siêu phàm”... cho đến “nghệ thuật tạo... tai nạn” — nơi khá đông hoạ sĩ ở khắp mọi nơi, trong bài kế tiếp. Trong bài này, tôi chỉ xin lưu ý rằng, thực ra, các hoạ sĩ không thể bỏ qua các hoạt động truyền thông về mình, không thể từ chối vai trò của các curator.

Hoạ sĩ nào, thực chất, cũng làm việc đơn độc và bao giờ cũng ở trong một góc khuất nào đó. Ngay cả khi các hoạ sĩ quây quần lại với nhau thành nhóm này nhóm nọ, thì đó, cũng vẫn là những nhóm hoạ sĩ đơn độc, ở trong góc khuất...  Thậm chí, còn là ở trong “bóng tối”. Hoạ sĩ càng sáng tác như một nỗ lực “vượt thoát”, nỗ lực “tìm kiếm”... thì lại càng ở sâu hơn trong bóng tối. Công chúng chỉ nhìn thấy hoạ sĩ, khi họ được phát hiện, được tiến cử.

Phát hiện và tiến cử hoạ sĩ cho công chúng, có thể là một đồng nghiệp đã thành danh, một nhà báo, một nhà phê bình có uy tín, nhưng cũng có thể chỉ là một “quí ông, quí bà” có địa vị xã hội và yêu thích nghệ thuật. Xưa đã vậy, và hiện tại vẫn vậy. Nhưng hiện tại, từ những năm tám mươi của thế kỷ trước trở lại đây, gắn liền với những đổi thay trong môi trường sinh hoạt mỹ thuật, đặc biệt là những đổi thay trong quan niệm nghệ thuật, dẫn đến sự phát triển rầm rộ những hình thức thực hành nghệ thuật mới, cũng như sự lùi sâu của phê bình ra hậu trường..., các curator đã nổi lên như là những nhân vật chuyên nghiệp trong lãnh vực này.

Đối với nhiều người trong làng mỹ thuật Việt nam, curator đươc hiểu chỉ là người cầm ngọn cờ “đương đại” — đứng ở vị trí đối lập hay phủ định nghệ thuật “truyền thống”. Thực ra, curator không chỉ là nhân vật của nghệ thuật “đương đại”. Với bản chất như đã nêu, curator là nhân vật “cơ bản” trong một nền mỹ thuật — nhân vật chúng ta đang thiếu và cần phải có. Bao năm qua, không có curator, các hoạ sĩ phải tự giới thiệu mình, phải tự tổ chức triển lãm, và hiệu quả — mọi mặt — thường rất kém. Khi không có curator, khi phần lớn hoạ sĩ không có kinh nghiệm “tự tiến cử mình”, thì nổi lên trên bề mặt — được công chúng biết đến nhiều và thành công trên thị trường — không chừng đúng như mọi người vẫn nói, chỉ là những kẻ khôn ngoan, khéo léo hay gặp may chứ không chắc đã là những tài năng thực sự. Tổ chức triển lãm riêng, đa số hoạ sĩ nghĩ một cách đơn giản: thuê mặt bằng ở đâu đó, treo tranh lên tường, đặt bừa cho triển lãm một cái tên, thiệp mời nhiều khi cũng in bừa (không chăm sóc gì về mặt mỹ thuật, thậm chí có thiệp mời còn sai lỗi chính tả be bét...), rồi cũng cắt băng khai mạc, cũng “nâng ly” chúc mừng như bao nhiêu triển lãm khác, thế là xong. Mà thế là xong thật! Với không ít hoạ sĩ, sau một cuộc triển lãm, phần thu về, chỉ là một vài bài báo “vô thưởng vô phạt”, một chút ảo tưởng từ những tán tụng xã giao của bạn bè, đồng nghiệp, một vài tấm ảnh chụp lúc khai mạc làm kỷ niệm mà thôi. Còn phần đóng góp cho nghệ thuật, cho xã hội, có hay không, nhiều khi cũng chẳng biết... — hiếm khi có sự hồi âm của phê bình, còn công chúng, trong đa số trường hợp, cũng chẳng biết mà đến (hay khi biết được thì triển lãm đã bế mạc mất rồi)... Các triển lãm chung, do Hội hay do Vụ Mỹ thuật tổ chức, thực tế, cũng chẳng khác gì nhiều. Thì cũng nhân lễ này lễ nọ, hay cứ theo chu kỳ hàng năm (hay vài năm) mà tập hợp lại — tranh cũ, tranh mới, tranh tả thực, tranh trừu tượng... cứ bày cùng một “mâm” — “cả làng vui vẻ”, hiếm khi có một tiêu chí, một chủ trương gì cho rõ ràng. Triển lãm mở ra mười ngày hay cả tháng rồi khép lại, và thường chẳng để lại chút dư âm, dư vị gì trong lòng xã hội. Đối với số đông công chúng, những cuộc triển lãm này gần như không có... Nói chung, đa số đã làm mà không biết rằng: “Hoạ sĩ, khi sáng tác, anh ta tạo ra một sự kiện nghệ thuật, nhưng khi tổ chức triển lãm, anh ta tạo ra một sự kiện truyền thông. Ở phần việc thứ nhất, anh ta là người chuyên nghiệp, nhưng ở phần việc thứ hai, anh ta hoàn toàn nghiệp dư...” (Lê Hoài Nam — Thể thao & Văn hoá, 12/2005). Sự có mặt của các curator, hay ít nhất, có ý niệm về hoạt động curator, hoạ sĩ có thể sẽ tránh khỏi những cách làm — “không biết để làm gì, và làm như thế nào?” — như thế!

Hơn nữa, khi phát hiện hoạ sĩ cho công chúng, bất cứ curator có tài nào cũng đồng thời làm công việc phát hiện hoạ sĩ cho hoạ sĩ. Ai tiếp xúc nhiều với các hoạ sĩ và chịu khó quan sát, đặc biệt khi có kiến thức về tâm lý nghệ thuật, có thể, đều phát hiện ngay điều này: hoạ sĩ, khi sáng tác, họ là nghệ sĩ, nhưng khi dừng lại, quyết định ký tên lên mặt tranh, thì bao giờ, họ cũng ký với tư cách người xem đầu tiên. Tư cách sau của họ, thường, “lạc hậu” hơn so với tư cách đầu một chút. Đến khi họ đặt tên cho tranh, nhất là khi họ diễn giải tranh của mình, thì trong đa số trường hợp, họ lại “lạc hậu” hơn một chút nữa. Đây là sự “lệch pha” thường tình giữa “con người sáng tạo” với “con người văn hoá” nơi từng nghệ sĩ. Khoảng cách giữa các tầng tâm thức với ý thức này càng lớn, chứng tỏ hoạ sĩ đang mù mờ về đường hướng và chưa thực sự tìm thấy được nguồn năng lượng sáng tạo có thể có nơi mình. Gắn bó với hoạ sĩ, một góp ý đúng của curator về tên tranh, về cách diễn giải tranh, nhiều khi cũng đã có tác động khai mở giúp hoạ sĩ phát hiện chính bản thân mình. (trước khi có các curator chuyên nghiệp, phần đóng góp này, nhiều khi thuộc về một “bà vợ”, một người bạn... nào đó của hoạ sĩ — không ai hay biết!)


Rõ ràng, curator là một nhân vật cần. Tuy nhiên, cũng không nên có quá nhiều ảo tưởng về họ. Đúng họ là những người chuyên nghiệp trong lãnh vực rọi sáng những vùng tối của một nền nghệ thuật để làm lộ ra những tài năng, nhưng họ không phải là các thiên thần đi ban phát ánh sáng. Cái ánh sáng mà họ mang theo — mỗi người mỗi khác — có thể phù hợp với nơi này, với người này, nhưng không chắc đã phù hợp ở nơi khác, với người khác. Vấn đề không khó hiểu, bởi, Phát hiện nào cũng là phát hiện từ một góc nhìn, tầm nhìn, cách nhìn. Curator phát hiện hoạ sĩ cho công chúng. Nhưng không có công chúng nói chung. Công chúng, chỉ có thể là công chúng của một thị trường nghệ thuật nào đó, hay công chúng của một khuynh hướng nghệ thuật nào đó, hay thậm chí, còn là “công chúng của tương lai”... Nhắm đến công chúng nào, là tùy vào vị trí, vào quan điểm, vào cách nhìn nghệ thuật của từng curator...





Nguyên Hưng
(2006)

Không có nhận xét nào: