15 thg 7, 2013

Chúng ta đang hiểu như thế nào về “Nghệ thuật đương đại”?

Thời "đương đại" nào cũng đầy rẫy những sương mù với bụi mờ. Sương mù với bụi mờ, đó là những thành kiến, định kiến, những ngộ nhận, ảo tưởng, những nghi hoặc, những mưu đồ và, những điều huyễn hoặc...

Bởi vậy mà, bất cứ cái gọi là "nghệ thuật đương đại" nào, cũng là một thứ nghệ thuật dấn bước trong quờ quạng, loạng choạng và liều lĩnh...!

Không ai có thể nói nghệ thuật đương đại là như thế nào?; những "khuôn vàng thước ngọc" của nó là gì? ...

Trước nghệ thuật đương đại, người ta chỉ có thể cố gắng, đưa từng tác phẩm về đúng bối cảnh của nó, ráng đọc các mối quan hệ nội tại và ngoại tại của nó, và qui chiếu về chính mình-như một VŨ TRỤ NHÂN SINH-giao tranh, giao chiến, giao hòa, giao hợp... với tất cả.

Và, trong sự qui chiếu đó, khôi phục và bảo toàn tự do nhân tính, giữ gìn mối quan hệ giao lưu giữa tính nội tại với ước mơ nơi mỗi con người, mới là thước đo cuối cùng cho mọi nền nghệ thuật gọi là "nghệ thuật đương đại". Còn lại, những phương tiện mới, những cách thức thể hiện mới, chỉ là tùy phụ-tùy vào điều kiện và môi trường giao tiếp của thời đại...

Bây giờ, phải thật ngây thơ lắm, u mê lắm, người ta mới dám đoan chắc chỉ có những installation, happening, performance art, body art, video art... mới là "nghệ thuật đương đại".Đừng quên, đó chỉ là những phương tiện mới được hình thành trên những kênh giao tiếp mới gắn liền với những đổi thay trong xã hội và não trạng con người... Nếu chỉ nhìn thấy phương tiện, thì mọi ứng dụng, đều chỉ là... "trò khỉ", và sẽ vĩnh viễn không bao giờ tìm thấy được nguồn năng lượng thực sự cho sự vận động, phát triển...

Khi còn những bức tường trong nhà, sẽ còn có hội họa. Khi còn có những khoảng sân, những công viên, những quảng trường... sẽ còn có điêu khắc. Và khi, con người còn không quay lưng lại với cuộc sống, còn đối diện, đối thoại về các vấn đề của cuộc sống, thì cả hội họa, cả điêu khắc, cả những phương tiện cũ kỹ nhất, cũng sẽ không ngừng được hóa thân trong những hình hài và tinh thần... đương đại. Cái đáng chết và cần chết hiện tại, không phải là những phương tiện "truyền thống", mà là những quan niệm, những khuôn mẫu truyền thống xưa cũ ẩn đàng sau chi phối, kìm chế tự do và sự sáng tạo... 

Nghệ thuật ý niệm, chẳng phải là đặc sản của thời "đương đại". Chẳng có thứ nghệ thuật nào, thậm chí, chẳng có thứ gì của con người mà nằm ngoài lãnh giới của ý tưởng, ý niệm. Sự lên ngôi của những hình thức gọi là nghệ thuật ý niệm (conceptual art) lâu nay, chỉ là sự thích nghi giữ gìn quan hệ đối thoại trên những kênh giao tiếp mới mà sự giao lưu ngày càng trở nên bất chợt, bấp bênh và phù du (đường phố, chợ búa, bến xe, bến tàu, internet v.v...). Nó hướng đến sự tồn tại trong những KHÔNG GIAN TƯỢNG TRƯNG với sự tương tác của đủ loại biểu tượng nơi tư duy mỗi con người, và trong tinh thần thời đại. Tính chất gây sốc đã trở thành thuộc tính của nó, nhằm phá tan tường vách để đi vào những không gian tượng trưng bịt bùng này. Khi không có ý thức về sự tồn tại của những thế giới biểu tượng chi phối hành vi và cuộc sống con người, thì mọi tác phẩm nghệ thuật ý niệm chỉ còn là thứ trò chơi con nít, và sự gây sốc chì là phá phách...


Fountain của Marcel Duchamp năm 1917, ảnh của Alfred Stieglitz



Cho đến ngày nay, trước tác phẩm "Fountain" (1917) của Marcel Duchamp (1887-1968) nhiều người vẫn cho rằng, đó chỉ là trò điên rồ của một kẻ ngông cuồng.

Thật nhầm.

Việc đưa cái bồn tiểu này vào một phòng triển lãm sang trọng giữa "kinh đô nghệ thuật" như vậy là một hành động gây sốc. Vâng, gây sốc, nhưng đã làm thức tỉnh bao nhiêu người. Nó bỡn cợt cái tâm lý bái vật hóa tác phẩm nghệ thuật, linh thiêng hóa một cách giả tạo công việc sáng tạo của người nghệ sĩ, và sự "khệnh khạng", độc đoán với đủ thứ qui phạm bày đặt của các không gian định chế (bảo tàng, các salon nghệ thuật...) kéo dài cả mấy ngàn năm....


Nó có sức mạnh giải phóng...!





Nguyên Hưng
(2012)

Không có nhận xét nào: