17 thg 7, 2013

Lại nói chuyện “Người” và “Nghề” curator

Trong nền mỹ thuật Việt Nam, curator là nhân vật còn thiếu và cần phải có. Không ít người trong làng mỹ thuật Việt Nam đã nói và tin như thế. Nhưng, cụ thể, curator là ai? Curator có vai trò và vị trí như thế nào — có phải curator chỉ là người chuyên tổ chức triển lãm? một loại chuyên viên hoạt động ở bảo tàng? hay là một kiểu nghệ sĩ mới của nghệ thuật đương đại? v.v...


Người ta cũng dạy nghề “curator” cho trẻ con đó...!

Nhiều người cho rằng curator là một nghề khó. Rất khó, mà trong điều kiện giáo dục đào tạo như ở Việt Nam sẽ khó có được trong một sớm một chiều. Trước đây, trong một bài báo của mình, đề cập đến chuyện curator từ đâu ra, tôi đã viết: “...Cần phải có thời gian tuyển lựa rồi đào tạo, rồi tuyển lựa lại? Thực ra, không nhất thiết. Chỉ cần dựng một thiết chế công nhận và quảng bá vai trò, vị trí curators, họ sẽ xuất hiện. Ở khắp nơi trên thế giới đều vậy: Curators có thể xuất thân từ trường lớp, có thể từ vị trí của một nhà phê bình, một giáo sư mỹ thuật, một nhà báo, một nhà quản lý nghệ thuật, cũng có thể đơn giản chỉ là một “quí ông, quí bà” am hiểu và yêu thích nghệ thuật, có tài tổ chức và thành thạo trong lãnh vực truyền thông...”. Đọc, không ít người tỏ ý không đồng tình, cho rằng “đâu dễ thế, curator nào cũng phải lận lưng dăm ba bằng tiến sĩ...

Tôi ngờ rằng “cái cảm giác” về “sự cần” và “sự to” của các curator kia chỉ là ảo tưởng. Cái ảo tưởng dễ có bởi bối cảnh và tâm thế của chúng ta khi tiếp xúc với người và nghề curator: họ xuất hiện như là những “cầu nối”, những “lực đẩy” cho chúng ta trong bước đầu hội nhập vào thế giới nghệ thuật đương đại, thấy “cái gì cũng mới, cũng lạ”, và thấy mình lạc hậu, ở bên lề... Trước bối cảnh và tâm thế này, hình ảnh các curator trở nên vừa “cao”, vừa “sang” với dáng dấp của một “thủ lĩnh”, một “đầu tàu”...

Một vài người Việt Nam, tự nhận là curator, nhiều khi đơn giản vì thích, vì thèm cái hình ảnh, cái dáng dấp vừa ‘lừng lững” vừa “lung linh” đó... Và, không chừng, chính họ, một mặt, vừa “nghiêm trọng hoá” vai trò và vị thế curator, một mặt, lại giả vờ khiêm tốn chỉ nhận là curator “nghiệp dư” đã góp phần biến curator trở thành huyền thoại, thậm chí trở thành “Bụt” luôn có sẵn ba điều ước cho ai đó may mắn!

Huyền thoại thì hấp dẫn hơn hiện thực. Đành rằng có những thành tựu trong hiện thực đã được thúc đẩy bởi huyền thoại, nhưng chỉ có huyền thoại, hiện thực không có nền móng để phát triển. Các thành tựu nếu có, rất dễ trở thành ảo ảnh có rồi tan đó... Nền mỹ thuật Việt Nam đã có quá nhiều huyền thoại!

Thực ra, đừng thấy những tên tuổi lẫy lừng như Harald Szeemann, như Hou Hanru... mà đã vội “hoảng”. Curator, không chỉ là thế giới của những người như thế. Cũng như hội hoạ không chỉ là thế giới của những Dali, Picassco... Trước khi thành “nghệ” với những đỉnh cao của mình, hội hoạ cũng chỉ là một kỹ năng cần có nơi mỗi con người: kỹ năng nắm bắt hình ảnh và các ấn tượng về thế giới thông qua kênh thị giác; kỹ năng biểu hiện nhận thức về thế giới và các cảm nhận cá nhân bằng ngôn ngữ tạo hình... Để hiểu người và nghề curator, cũng nên bắt đầu từ sự truy nguyên như thế.

Cách đâu mấy năm, bắt đầu tìm hiểu về curator, tôi suốt ngày lang thang trên mạng (internet). Những website đầu tiên tôi gặp — qua google — là những website dạy "nghề" curator cho trẻ em. Đa số nhắm đến đối tượng từ năm đến mười tuổi.

Người ta dạy gì cho các em ở đó?

Người ta dạy cho các em cách tổ chức một cuộc triển lãm. Chi li như việc chọn khung cho tranh, cách đặt tên tranh, cách làm bảng chú thích, cách treo tranh lên tường, cách bố trí ánh sáng, cách soạn thảo và trình bày một cái thiệp mời, một mẫu tờ rơi và poster quảng cáo, cách tổ chức một buổi lễ khai mạc, các nghi thức tiếp tân, cả cách diễn giải một tác phẩm, và cách ghi nhận các ý kiến phản hồi..., và, xuyên suốt, là cách làm thế nào để phòng tranh vừa hài hòa vừa biểu lộ cách nhìn, cá tính người tổ chức...

Tuy nhiên, quan trọng nhất, không phải là ở những chuyện vừa nêu. Thực tế, người ta không dạy để các em trở thành những curator "nhí". Mà sâu xa hơn, là để các em có ý thức và biết cách tổ chức cuộc sống của mình — cách tổ chức luôn bao hàm ý nghĩa truyền thông. Học cách tổ chức một cuộc triển lãm, các em đồng thời được hướng đến một bài học: tất cả những gì mình đưa ra, sắp xếp, bài trí chung quanh, đều là những yếu tố làm nên (hay thể hiện) hình ảnh bản thân mình. Đây là một ý thức "sống còn", bởi chúng ta có lẽ, ai cũng biết, sự thành bại của một con người trong xã hội không chỉ thuần túy tùy vào năng lực, mà còn tùy thuộc rất nhiều vào việc tự tạo cho mình một hình ảnh thế nào trong mắt nhìn người khác. Hình ảnh này, thể hiện qua áo quần, tóc tai, qua cách nói năng, qua tác phong đi đứng, qua cách tổ chức không gian sống, không gian làm việc v.v...Tất cả ý thức về lòng tự trọng, về ý nghĩa của cuộc sống, về giá trị của thời gian, tính hợp lý v.v... của một con người đều thể hiện qua đó.

Sự sáng tạo hình ảnh bản thân này, càng cần phải được đặc biệt ý thức, nhất là khi phải sống trong các mối quan hệ xã hội hiện đại — xã hội có những tượng trưng và ẩn dụ khác.

Sống quá lâu trong các quan hệ làng-xã, số đông người Việt Nam, thực tế vẫn chưa kịp nhận biết các đặc điểm này trong các quan hệ xã hội hiện đại. Để dễ hiểu, chúng ta thử so sánh sự khác biệt giữa cái chợ "truyền thống' của chúng ta với cái siêu thị hiện đại. Ở chợ, số lượng người bán và số lượng sản phẩm được bán, nhiều khi ngang nhau. Và, ở chợ, sự thành công hay thất bại, không phụ thuộc nhiều vào sản phẩm mà chủ yếu vào người bán. Đến chợ, người ta ít quan tâm đến bao bì, đến thương hiệu sản phẩm, đến cách bài trí sản phẩm..., mà đơn giản, chỉ quan tâm đến người bán. Người bán, nhiều khi chỉ cần ăn nói có "duyên", niềm nở một chút là đã có đông khách hàng... Siêu thị khác hẳn. Siêu thị nào hầu như cũng chỉ có người thâu tiền chứ hiếm thấy người bán. Người mua đối diện với sản phẩm. Họ lựa chọn theo niềm tin vào cái "made in..." nào đó, theo hiểu biết về thương hiệu, hay sự hấp dẫn của bao bì... Nói chung là những gì hết sức tượng trưng. Ngay cả hành động mua, cũng khác. Khi lựa chọn thương hiệu này chứ không phải thương hiệu khác, bao bì này chứ không phải bao bì khác, không chắc đã xuất phát từ nhu cầu thực tế hay hiểu biết về chất lượng, mà nhiều khi, do sự quyến rũ của chính thương hiệu, của chính bao bì, và cũng có thể là một hành động mang tính “ẩn dụ” — ẩn đàng sau, nhiều khi chỉ là những cảm giác của một thứ mặc cảm nào đó...

Siêu thị, đó là hình ảnh thu nhỏ của một xã hội hiện đại. Trong bối cảnh xã hội này, người ta nhận biết nhau, đến được với nhau, hợp tác được với nhau... bắt đầu từ sự nhận diện hình ảnh của nhau qua những "tượng trưng" và "ẩn dụ' như thế. Bất cứ ai đã hoặc đang làm việc cho một cơ quan nước ngoài nào đó, có lẽ, đều hiểu đây là một bài học quan trọng như thế nào.

Người ta không dạy các em thành curator. Người ta dạy cho các em biết cách tổ chức cuộc sống, biết cách tự thể hiện, tự truyền thông về mình.


Từ đây có thể nói: kỹ năng curator, trước hết và cơ bản hơn hết, là kỹ năng làm cho mọi người nhìn thấy mình, thấy cái mà mình muốn họ thấy... Không phát xuất từ đây để điều chỉnh cách nhìn, chúng ta sẽ khó thấy đươc bản chất công việc cũng như vai trò và vị trí của các curator trong một nền mỹ thuật...




Nguyên Hưng
(2006)

Không có nhận xét nào: