18 thg 7, 2013

Nhưng, nói gọn lại, Curator là gì?!

Đọc lại:

Bài 1: Lại nói chuyện “Người” và “Nghề” curator


Bài 2: Curator — thế giới của những “thằng đểu” ?!


Nhiều người hỏi, đại khái: “Lâu nay, tôi nghe nói nhiều về Người và Nghề curator, nhưng càng nghe càng rối — curator là người chuyên tổ chức triển lãm? curator là một loại chuyên viên bảo tàng? curator là người giám tuyển?...”


Nếu nhìn trên bề mặt hiện tượng, rất khó nói đầy đủ về curator — ít nhất là nói cho ngắn gọn. Trong thế giới mỹ thuật, curator có mặt ở rất nhiều vị trí khác nhau và đóng nhiều vai trò khác nhau. Không chỉ làm việc ở các bảo tàng, các trường đại học, các trung tâm nghệ thuật, các gallery lớn, curator còn có mặt ở không ít ngân hàng, không ít bệnh viện hay khách sạn. Trong “Nhà Trắng” của chính phủ Hoa Kỳ cũng có nhóm năm, bảy curator làm việc. Chưa kể đến các curator độc lập xuất hiện ngày càng đông và càng ngày càng có vai trò nổi bật như những nhân vật tiêu biểu nhất của nghệ thuật đương đại. Về công việc cũng vậy, tuỳ theo vị trí, có khi curator là người quản lý mỹ thuật, có khi là người tổ chức và điều hành triển lãm, có khi là người giám tuyển, có khi làm công việc gần như một giám đốc nghệ thuật hay một giám đốc sáng tạo (trong một công ty PR), có khi được hình dung như một mẫu nghệ sĩ kiểu mới v.v... Một điều cũng cần phải nói thêm là vai trò và trí của các curator cũng phân hoá và biến đổi ngày càng đa dạng hơn theo những kênh, những tuyến hết sức khác nhau trong cùng một thiết chế mỹ thuật. Có curator của các kênh thương mại thuần tuý, có curator của các quan hệ nghệ thuật “cơ bản”, có curator của các hoạt động ứng dụng nghệ thuật, và, có curator gắn liền với các biến chuyển của nghệ thuật đương đại...

Tìm hiểu về curator, nếu sa đà trên bề mặt này, rất dễ rơi vào mấy nguy cơ: một, dễ tưởng bộ phận là toàn thể theo kiểu “thằng mù sờ voi” — chỉ thấy các kiểu curator ở vị  trí “mũi nhọn”, mà không thấy các kiểu curator “cơ  bản” hơn thực tế vẫn đang rất cần để thúc đẩy nhanh quá trình chuyên nghiệp hoá và hội nhập các mặt của mỹ thuật Việt Nam. Nguy cơ này đang có thật. Thứ hai, bởi bao giờ cũng vậy, nổi lên bề mặt, thường là những nhân vật xuất sắc, và, cũng có khi là những nhân vật thời thượng. Bị hấp dẫn bởi cái xuất sắc, chúng ta dễ thấy curator là cái gì quá cao, quá khó. Do đó, đâm ra coi thường hay nghi ngờ những nổ lực mày mò của một số curator trong nước — trở thành một sự cản trở cho họ. Bị hấp dẫn bởi cái thời thượng, chúng ta dễ xem nhẹ những cái bình thường. Trong khi thực tế, tất cả đều phải sống và bắt đầu từ những cái bình thường

Theo tôi, tốt hơn hết, nên quay về bắt đầu với các định nghĩa cơ bản về bản chất hoạt động curator. Ban đầu, có thể hơi trừu tượng, mơ hồ, nhưng dần dần, qua quá trình diễn giải, chúng ta dễ dàng nhận thấy các quan hệ thực tế của hoạt động curator với nhu cầu đổi mới — chuyên nghiệp hoá và hội nhập — của chúng ta như thế nào. Về nguyên tắc, rõ ràng, chỉ khi nhận thấy các quan hệ thực tế này, chúng ta mới có thể sẵn sàng một ý thức tiếp nhận, và sau đó, mới có thể sẵn sàng một thiết chế bảo trợ “chính danh hoá” vai trò và tư cách curator. Và sau nữa, mới có thể hình dung hết các vị trí, cũng như các điều kiện và các yêu cầu cần thiết để xây dựng một lực lượng curator của mình...

Về bản chất, có thể nói một cách vắn tắt, curator là những người làm công việc PHÁT HIỆN và TIẾN CỬ nghệ thuật. Xin lưu ý: khi nói đến PHÁT HIỆN, phải nhớ đến TIÊU CHÍ và TIÊU CHUẨN, khi nói đến TIẾN CỬ, phải nhớ đến ĐỐI TƯỢNG, MỤC ĐÍCH và CÁCH THỨC. Và, khi nói đến nghệ thuật, cũng không nên quên, đó không phải là một thế giới thuần nhất như ta vẫn tưởng mà luôn luôn có sự phân hoá thành những KÊNH (giao tiếp), những NGƯỠNG (giá trị) hết sức khác nhau — không (nhất thiết) phủ định nhau. Trong hoạt động curator, hai phần việc PHÁT HIỆN và TIẾN CỬ không tách rời, và tất cả, bao giờ cũng nằm trên một kênh giao tiếp, một ngưỡng giá trị nghệ thuật nhất định: phát hiện là để tiến cử; tiến cử cho ai, để làm gì, sẽ quyết định tiêu chí, tiêu chuẩn phát hiện, và, sẽ quyết định cách thức tiến cử, cũng như vị trí curator. Khi curator làm việc cho gallery thương mại với mục đích làm thế nào thu lại lơi ích kinh tế cao nhất và ổn định..., thì rõ ràng, tiêu chí phát hiện của anh ta phải là các hoạ sĩ đã ăn khách hoặc có khả năng ăn khách. Riêng về tiêu chuẩn phát hiện thì tùy vào tài năng — liệu anh ta có đủ kinh nghiệm và nhạy cảm để đọc được hay tiên đoán được những biến chuyển trong nhu cầu thị trường tương ứng hay không, cũng như để đọc được khả năng cùng những triển vọng đáp ứng của các hoạ sĩ hay không. Cuối cùng, quyết định sự thành hay bại, vẫn là cách thức anh ta tiến cử hoạ sĩ ra thị trường đối tượng như thế nào. Trong cách thức tiến cử, việc tổ chức các cuộc triển lãm, việc vận động sự ủng hộ của giới truyền thông, phê bình, việc tiếp cận vận động trực tiếp khách hàng đối tượng, việc chăm chút hình ảnh hoạ sĩ trong lòng công chúng nói chung và khách hàng đối tượng nói riêng v.v... đối với anh ta là những việc vô cùng quan trọng, đòi hỏi anh ta vừa phải nhìn rộng vừa phải chi li, vừa phải mơ mộng vừa phải rất thực tế, đặc biệt là phải giàu năng lực sáng tạo... Khi curator làm việc cho một bảo tàng nghệ thuật, với nhiệm vụ lôi kéo mọi người đến bảo tàng, thì tiêu chí của anh ta, không gì khác hơn, chính là làm cho bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn, gần gũi hơn với mọi người. Ở đây, tiêu chuẩn là phải phát hiện ra những giá trị mới mẻ có quan hệ với cuộc sống đương đại, phải sáng tạo ra các hoạt động mở rộng hoặc gia tăng giá trị của bảo tàng từ thế giới hiện vật đã có hay cần phải bổ sung. Sự tiến cử của anh ta ở đây, là tiến cử một cách nhìn mới, một cách cảm nhận mới về nghệ thuật. Cách thức hoạt động của các curator trong các bảo tàng đã không ngừng được sáng tạo: Anh ta phải biết cách tổ chức các triển lãm chuyên đề, phải biết cách tổ chức các hoạt động giao lưu, cũng như các hoạt động tuyên truyền, giáo dục v.v...


Diễn giải qua các vị trí khác, chúng ta hẳn thấy, không chỉ công việc mà cả tư cách curator cũng biến đổi theo, hết sức đa dạng. Nhưng chỉ qua hai ví dụ trên có thể tạm rút ra kết luận, với bản chất hoạt động như vậy, curator là một CẦU NỐI hết sức quan trọng giữa các thành phần khác nhau trong một nền mỹ thuật, và giữa các nền mỹ thuật; là một LỰC ĐẨY cũng hết sức quan trọng cho sự vận động đổi mới của các thành phần khác nhau trong một nền văn hoá mỹ thuật...




Nguyên Hưng
(2006)

Không có nhận xét nào: