28 thg 7, 2013

Nói chuyện chuyển đề: "Để xem tranh, có cần phải học?"

Chiều thứ bảy, 27/7/2013, từ 16g đến 19g30
Tại S.O.C Studio, 3A Tôn Đức Thắng, Q. 1

Diễn giả: Nguyên Hưng

VÀO CỬA TỰ DO.


Trước tranh, mọi người, đa số giữ thái độ "kính nhi viễn chi". Thường, ít khi dám có ý kiến bình phẩm. Không chỉ với các loại tranh "bí hiểm" như Lập thể, Siêu thực, Trừu tượng.... mà ngay cả với những loại tranh "biểu hình" như Ấn tượng, Biểu tượng, Tượng trưng... thậm chí cả với tranh tả thực. Trong giới họa sĩ vẫn kháo nhau câu chuyện: có người nhận xét tranh bạn: "trông kinh đấy!", anh họa sĩ vặn lại "kinh là sao?". Có nghĩa là đẹp, hay xấu.... hay sao? Người kia giải thích bằng... cười!

Tại sao? Tại đa số thực sự "mù" trước tranh, chỉ thấy "lờ mờ" bên ngoài mà không thấy nổi "bên trong"? hay đơn giản chỉ vì không biết phương pháp diễn dịch không đủ chữ nghĩa để phát biểu?

Có người cho rằng chuyện "mù" là phổ biến với lý lẽ: học chữ phải bắt đầu từ A, B, C, muốn cảm thụ hội họa tốt phải được giáo dục về hội họa. Ở Việt Nam, cho đến nay, công việc này gần như chưa có gì...

Có người lại cho rằng, đối với nghệ thuật, cho dù có "thiên kinh vạn quyển" cũng chưa chắc đã hết "mù". Nhiều khi lại "mù" hơn nữa. Những điều mà người ta vẫn nói huyên thuyên về tác phẩm này, tác phẩm nọ, lắm lúc chỉ là những ảo tưởng do kiến thức mang lại hơn là do cảm thụ tự thân, chưa chắc đã có xúc cảm nghệ thuật...

Mâu thuẫn trên là có thật. Nhiều, rất nhiều người có học thức hẳn hoi, thuộc làu lịch sử mỹ thuật thế giới, nhớ tên tác phẩm tiêu biểu của từng họa sĩ, nhưng khi trực diện tác phẩm, nhiều khi chỉ biết im lặng, thậm chí dửng dưng. Ngược lại, có người học vấn chẳng là bao, nhưng trước vài ba tác phẩm đã có được những phát hiện tinh tế đến bất ngờ...

Thực tế đó, rõ ràng, buộc phải đặt lại câu hỏi, học để xem tranh là học những gì? và học như thế nào? Bất cứ ai thiết tha cầu học, và học thực sự, học trong ý thức thường xuyên tự phủ định (biết hoài nghi) có lẽ, dù sáng tỏ hoặc mơ hồ cảm nhận học để biết, học để hiểu và học, như sự tích tụ năng lượng cho sự sáng tạo là những cấp độ hoàn toàn khác nhau. Gần như hầu hết các nhà tâm lý nghệ thuật đều cho rằng cảm thụ nghệ thuật cũng là hình thái khác của sáng tạo nghệ thuật. Cái "vốn" của cảm thụ với sáng tạo như nhau. Khác, chỉ tùy vào khả năng có thể biểu đạt - nghệ thuật là hình thức - đây là chuyện "trời cho"...


Nguyên Hưng

Hình ảnh sự kiện: