11 thg 7, 2013

PHÊ BÌNH MỸ THUẬT - THÀ KHÔNG CÓ

Không có gì nếu không có phê bình. Nhưng chẳng thà không có phê bình. Bởi, nếu có mà yếu kém, phê bình chỉ đẩy cơ may "có gì" của mỹ thuật Việt Nam trở nên xa vời.

Ðiều này hoàn toàn dễ hiểu.

Yếu kém, là khi phê bình không biện biệt được thế nào là nghệ thuật, thế nào là phi nghệ thuật; không phân định được thế nào là những giá trị mang tính tiên phong, độc sáng hay bác học với những gì chỉ có nghĩa là tiếp thu, ứng dụng, mang tính phổ cập hay bắt chước, nhai lại, v.v...

Không biện biệt, phân định được những điều nói trên, phê bình trở thành một thứ ruồi nhặng gieo rắc dịch họa. Bởi đơn giản, không làm sáng tỏ được sự thật, nó đẩy người khác vào hoang tưởng, ngộ nhận; không có khả năng phát hiện và đón nhận cái mới, tiên tiến, nó đưa người khác vào vòng cương tỏa của cái cũ, lạc hậu hay cái thời thượng, giả hình v.v... và v.v...

Phê bình mỹ thuật ở Việt Nam đang rất yếu kém. Ðiều này ai cũng đã thấy. Nhưng, trước sự yếu kém đó, nếu cho rằng nó không thực sự tồn tại, hư vô hóa, không đặt nó thành đối tượng để suy xét như đã kéo dài trong nhiều năm qua thì như đã nói ở trên, là một sai lầm "chết người"...

Tuy nhiên, để làm cái công việc suy xét này, trước hết, đòi hỏi phê bình phải tự phê bình triệt để - bắt đầu từ ngay nền tảng học thuật của nó. Khó khăn của sự đổi mới phê bình hiện nay, chắc chắn không phải do hoàn cảnh như nhiều người đã nói, mà chính yếu là do sự khập khiễng với khá nhiều bất cập và thái quá từ ngay nền tảng học thuật của phê bình, và có lẽ, cả thái độ trí thức của những người làm phê bình.

Ðiều có thể nói ngay, phê bình mỹ thuật ở Việt Nam lâu nay được triển khai trên một nền tảng học thuật đã sơ sài lại quá lạc hậu. Cho đến nay, ở mọi cấp độ - chuyên và không chuyên - vẫn một kiểu phê bình "làm sáng và làm sang" cho các họa sĩ. Căn bản, vẫn xem sáng tác là tâm tình bộc bạch, xem tác phẩm là môi trường thể hiện những khía cạnh tinh thần và nhân bản từ tư tưởng, tình cảm của tác giả, và, xem phê bình là hồi âm, diễn giải v.v... Cách nhìn, cách phê bình này thuộc truyền thống nghệ thuật lãng mạn và hiện thực chủ nghĩa, còn vướng mắc rất nhiều trong lối tư duy khái niệm hóa, xem trọng nội dung chỉ định của hình, chỉ khả thủ trong không gian của nghệ thuật lãng mạn và hiện thực chủ nghĩa. Ngày nay, mỹ thuật Việt Nam hầu như đã thay đổi hoàn toàn. Cho dù các họa sĩ có "mộng du" thì mỹ thuật Việt Nam hiện tại vẫn là một thế giới khác khá sôi động với sự ảnh hưởng của đủ các khuynh hướng nghệ thuật đến từ phương Tây, từ tiền hiện đại, hiện đại đến hậu hiện đại. Dừng lại trong nhãn quan như thế, phê bình nếu không rơi vào tình cảnh của những kẻ "nói leo", "nói lặp", "nói cố", "nói nhảm" thì cũng chẳng giúp ích được gì đáng kể cho sự phân định, biện biệt các giá trị, nhằm định hình một trật tự biểu kiến cho thế giới mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Dễ thấy. Một, khi lấy nghệ sĩ làm trung tâm, phê bình rất dễ sa vào khuynh hướng tán tụng, thù tạc, dễ mắc bẫy huyền thoại. Ða số các bài viết phê bình mỹ thuật trong nước lâu nay, vẫn cứ sa đà với chuyện các họa sĩ "vẽ cái gì?" mà rất lơ là, thậm chí mù mờ với chuyện họa sĩ "vẽ như thế nào?"... Hai, sự định vị và định giá tác giả trong nghệ thuật rất dễ trở thành mơ hồ, hàm hồ. Bởi sự đánh giá nghiêng về nội dung luôn dễ bị lôi cuốn theo các tiêu chuẩn bên ngoài nghệ thuật. Chẳng hạn: vị thế xã hội của tác giả, dư luận, mức độ thành công trên thị trường nghệ thuật. Ba, nghiêm trọng hơn, bởi xem nhẹ hình thức, cho hình thức là tuỳ phụ, nó vô tình bỏ qua các vấn đề đặc thù của tư duy thị giác, của ngôn ngữ tạo hình. Từ đó, không thể thâm nhập được thế giới phức tạp và không ngừng biến đổi của nghệ thuật hiện đại; không thể hiện đại hóa cách nhìn nghệ thuật. Trước hiện tượng không ít họa sĩ đã làm theo ngay những gì mới nhất của Tây, nhưng thực ra, chỉ bắt chước được ở dáng vẽ bên ngoài, trong căn để tinh thần vẫn là cái gì rất cũ, không có sức sống... không ít nhà phê bình hoặc chỉ biết hứ háy, phủ định sạch trơn, hoặc "tung hỏa mù" biện minh làm vui lòng các họa sĩ. Vấn đề bản chất của phong cách bị hiểu sai trước hết. Xem phong cách như một hiện tượng tách biệt - hoặc dựa vào một số thủ pháp, một số môtíp thuần tuý hình thức nào đó... hoặc ngả hẳn sang vấn đề góc nhìn, đặc điểm tư tưởng, thái độ thẩm mỹ của tác giả - thiếu tính thống nhất. Tiếp theo, ý niệm về cái mới, về tính tiên phong, độc sáng nếu không bị loại trừ, thì cũng mơ hồ. Thậm chí ngay cả các vấn đề thế nào là "dân tộc", là "hiện đại" trong nghệ thuật cũng vậy. Kết quả tai hại nhất, phê bình hoàn toàn bất lực trong việc định chuẩn cho một bản sắc Việt Nam trong mỹ thuật hiện đại và hoàn toàn bị động trong việc định hướng tiếp thu, học hỏi "người khác". Bốn, sự định hướng cho sáng tác và đào tạo dễ bị lệch sang chiều "bồi dưỡng tư tưởng", "rèn luyện đạo đức" - xem trọng cái "tâm" hơn cái "tài". Tình trạng nghiệp dư hóa của Mỹ thuật Việt Nam lâu nay và sự lúng túng của số đông họa sĩ trẻ hiện nay là hậu quả của sự định hướng lệch chiều này...

Trước sự yếu kém của phê bình mỹ thuật trong nước, nhiều người cho rằng "nếu là họa sĩ viết phê bình thì đáng tin hơn", hay "muốn viết phê bình hay thì phải chơi với các họa sĩ" v.v... và v.v... Ðây là điều không chắc. Các họa sĩ có thể nhạy cảm hơn, nhưng thực ra, không có sự cảm nào tách rời khỏi sự hiểu, sự biết. Họ có thể rất tinh tế, sâu sắc trước các đối tượng cùng kênh, cùng hệ, nhưng chưa chắc còn giữ được tính khách quan khi tiếp cận các đối tượng khác quá mới, lạ. Sự hiểu, sự biết của các họa sĩ, thực tế, cũng nằm trên cùng một nền tảng học thuật như phê bình. Trước bối cảnh đổi mới, nhiều người trong họ đã sáng tác với trạng thái "mộng du", và khi viết phê bình, họ lại "mộng du" trên chữ nghĩa...


Thế kỷ 20, trên thế giới, được xem là thời hoàng kim của phê bình văn học-nghệ thuật. Những thành tựu trong các ngành khoa học nhân văn và xã hội, đặc biệt, của tâm lý học và ngôn ngữ học hiện đại, đã mang lại nhiều lý thuyết mới, khả dụng cho phê bình, đổi mới hoàn toàn cách nhìn nghệ thuật, cách phê bình... Ở Việt Nam, cho đến nay, bản thân thông tin này dường như đã là cái gì hết sức xa lạ! Bao giờ phê bình mỹ thuật Việt Nam mới thực sự đổi mới?!




Nguyên Hưng
(2000)

Không có nhận xét nào: