11 thg 7, 2013

Mỹ thuật Việt Nam, bao giờ hết…”ốm đói”?!

Sau khi công bố bài "Phê bình mỹ thuật: một chuyện thừa?" , tôi nhận được rất nhiều hồi âm của các bạn hữu trong giới sáng tác và phê bình mỹ thuật. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, có không ít những ý kiến phản đối. Trong các ý kiến phản đối, ý kiến nổi bật nhất có thể được tóm tắt như sau: Viết về trình độ nhận thức của họa sĩ Việt Nam đương đại như vậy có “khắc nghiệt” quá không? Một số người còn nhắc nhở: Không nên quên là, lâu nay, lực lượng nghệ sĩ tạo hình ở Việt Nam đã phân hóa rất nhiều, trong đó, có nhiều người rất khá, không nên bỏ qua…

Đọc những ý kiến phản đối ấy, tôi không hề ngạc nhiên. Ngay trước khi đặt bút, tôi đã biết, lối viết phê bình nhắm đến cái chung, nghiêng nặng phần phê, mà lại phê thẳng thừng mọi chuyện như vậy, rất dễ gây sốc. Nó đụng chạm đến niềm tin hồn nhiên nơi rất nhiều người. Nó phá vỡ sự an tâm với các mặc cảm tự tôn cũng như với các toan tính này nọ nơi không ít người khác. Soi chiếu vào đời thường, nó dễ bị xem là “không cận nhân tình” , là “khắc nghiệt”, v.v…

Biết, nhưng tôi vẫn viết. Không phải vì muốn làm một thứ “anh hùng” gì cả. Đơn giản, tôi chỉ muốn đi đến tận cùng con đường mình đã lựa chọn. Tôi tin, nếu không có sự “khắc nghiệt” này, nếu không có ai nhìn thẳng và “lạnh lùng” mổ xẻ các vấn đề thực tế, thì chắc chắn, sẽ chẳng có gì chuyển hóa thực sự cả.

Do mới chỉ là những “cảm nhận”, chưa thành lý lẽ để có thể tranh luận, nên tôi xem các phản ứng không đồng tình nêu trên chỉ như một đề nghị nghĩ lại. Đúng hơn, chỉ như một cái cớ để viết thêm bài này. Vấn đề tôi muốn đào xới ở đây là: Phải chăng trong sự phân hóa của mỹ thuật lâu nay, đã có nhiều tín hiệu của sự tiên tiến, tích cực, đủ để có thể lạc quan?

Đúng là, không ai có thể phủ nhận được, kể từ thời “đổi mới” với xu hướng “mở cửa” - “giao lưu” với “hội nhập” - nền mỹ thuật Việt Nam đã trở nên “đa sắc, đa hình, đa tình, đa ý” hơn. Tuy nhiên, sự phân hóa này như thế nào - các chiều hướng: tính chất, trình độ - và có thật những nhân tố tích cực, tiên tiến hay không - được nhận diện ra làm sao?, có đồng nghĩa với sự phân hóa về cách nhìn nghệ thuật - căn cơ của sự đổi mới - hay không, là điều cần phải phân tích, diễn giải. Thực tế, không có gì khó khăn để nhận thấy, đó chỉ mới là sự phân hóa trên bề mặt, theo sự hấp dẫn của thị trường vốn phân tầng “thượng vàng, hạ cám”, theo những kênh , những tuyến đã trở thành lối mòn , ăn thông với “vườn an cư” truyền thống được nhà nước bảo bọc - kiên trì “định hướng” và đầu tư nhiều tiền của - và, ăn thông với thế giới “hiện đại” bên ngoài -thực chất là phương Tây - vốn nằm trong trường giao tiếp “truyền thống” và luôn sẵn có các chuyên gia tiếp thị, các nhà bảo trợ đủ kiểu, đủ tầm… đưa tay chào đón. Nói chung, khá dễ dãi, hời hợt. Thậm chí, nó làm liên tưởng đến sự “hóa thân” nơi trẻ con, khi tiếp xúc với thế giới truyền hình. Trong phút chốc, đứa thành “Tôn Ngộ Không”, đứa thành “Triển Chiêu”, đứa thành “Lệnh Hồ Xung” v.v… và cứ thế mà “biến”, mà “hóa”.

Nói vậy, có thể hơi quá đáng, nhưng không hẳn vô căn cứ. Vấn đề ở đây là tính tự giác nơi con người sáng tạo. Chẳng lạ gì mà cho đến ngày nay, vẫn còn có khối họa sĩ “phục vụ chính trị” vẽ tranh minh họa các kiểu vẫn cứ tỉnh bơ xem mình là “chính thống”, và có khối họa sĩ khác chuyên vẽ tranh thương mại vẫn cứ khệnh khạng bàn chuyện nghệ thuật. Ở đây, rõ ràng, ranh giới giữa nghệ thuật với phi nghệ thuật đã không còn được phân biệt. Điều này phần nào giải thích lý do tại sao mà, sau giai đoạn khởi đầu “đổi mới” bừng bừng khí thế -“trăm hoa đua nở”, ai ai cũng háo hức, cũng tràn trề hy vọng…- khá ngắn ngủi, mọi chuyện, từ chuyện sáng tác đến chuyện sinh hoạt, từ chuyện thị trường đến chuyện thông tin, phê bình…, càng ngày càng chùng xuống, càng có vẻ như đi vào bế tắc, mỏi mệt. Cả hệ thống trở nên rã rời. Những “thành tựu” có được, cơ bản, chỉ là những ảo tưởng. Cho đến giờ, người trong làng mỹ thuật, có lẽ, chẳng còn ai đủ tự tin để huênh hoang về những chuyện như “Kể từ thời đổi mới, mỹ thuật là loại hình nghệ thuật hội nhập nhanh nhất vào dòng chảy nghệ thuật thế giới”, “Mỹ thuật Việt Nam khá nhất khu vực Đông Nam Á”… nữa. Nếu tiếp cận có hệ thống và phân tích thẳng thắn, hầu như không ai có thể kể ra được một vài tác phẩm có ý nghĩa độc sáng, hay, thậm chí, chỉ là vài manh nha cho một cách nhìn nghệ thuật mới mẻ nào đó tiêu biểu cho thời “đổi mới”… Sự thích ứng với hoàn cảnh mới nơi các nghệ sĩ, cho đến nay, lộ ra, dường như chỉ là những phản ứng có màu sắc “cơ hội chủ nghĩa”, hay, ẩn chứa những mặc cảm lạc hậu, yếu đuối, và cả sự “non lòng trẻ dạ”… Dễ thấy điều này nhất, khi thử đặt các nghệ sĩ trước khái niệm “đương đại”. “Đương đại” là cái mới nhất ở Tây? là cái mang tính phổ quát của nghệ thuật nhân loại hiện tại? hay, đơn giản, chỉ là cái đang là ở Việt Nam không cần phải thắc mắc…? v.v… Có thể nói, tất cả đang rối bời. Dĩ nhiên, cần phải ghi chú, trong mọi lãnh vực, ở đâu, lúc nào cũng có những ngoại lệ. Có thể, có những cá nhân thật xuất sắc. Nhưng, những cá nhân xuất sắc này, có được nhận diện hay không? Có thể trở thành tác nhân tích cực làm nên diện mạo mới của mỹ thuật Việt Nam hay không? Và, có thể đi xa được hay không? Hay, cũng sẽ mãi bị che lấp trong sự xô bồ của thiết chế mỹ thuật chưa có gì là chuyên nghiệp, cũng sẽ bị chìm khuất trong cái đầm lầy không bờ không đáy - mơ hồ mọi sự - của cả nền văn hóa mỹ thuật, Việt Nam, hiện tại?...

Nói chung, chưa có gì để lạc quan, để có thể an tâm chờ đợi một mùa bội thu cả.

Những ý kiến vừa nêu, thực ra, tôi đã phát biểu nhiều lần, ở nhiều nơi khác nhau. Nhiều người đồng tình, nhưng cái nhãn “khắc nghiệt”, vẫn được dán kèm theo đó không ít. Lý lẽ thường được đưa ra, đại khái: Ở giai đoạn đầu hòa nhập, bắt chước, phỏng tạo là điều khó tránh khỏi, “nhái theo để hòa nhịp” là chuyện đương nhiên, không cần phải sốt ruột, tiếp theo, chỉ mới mười mấy năm đổi mới, từ một tình trạng cơ thể suy dinh dưỡng ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ và đói ăn trầm kha… mà đòi hỏi một sự chuyển hóa nhanh chóng về chất là điều không tưởng. Cần phải có thời gian…

Theo tôi, đây là một phản ứng hoàn toàn cảm tính. Và vô vọng. Cảm tính, bởi chẳng lẽ mọi sự phê phán đều thuần túy chỉ bởi cảm hứng phê phán hay chỉ với mục đích phủ định? Vô vọng, bởi lý lẽ được đưa ra như vậy là hết sức thiếu chuyên nghiệp, và hơi có phần vô trách nhiệm. Bởi, ngay trong ý thứ nhất, “hòa theo” cái gì? tại sao phải “hòa theo”? đã là điều cần phải biện biệt. Xong, mới có thể nói tiếp “hòa theo” như thế nào? Không biện biệt, mọi cố gắng “hòa theo” đều rất dễ sa vào những cái bẫy “thực dân chủ nghĩa” vốn luôn chực chờ ở khắp mọi nơi-trong “cái nhìn người khác” và cả trong các “mặc cảm thuộc địa” thường, vốn ẩn sâu trong mỗi người. Và, trong ý thứ hai: Đúng là các nghệ sĩ Việt Nam đã sống quá lâu trong tình trạng “ốm đói”. Ốm đói do “thiếu ăn”. Nhưng đừng quên, “ốm đói” không chỉ do “thiếu ăn”. Không ít người sống trong điều kiện thừa mứa mọi thứ mà vẫn “ốm đói”. Nhiều khi tệ hơn: “bệnh”. Nhiều khi tệ hơn nữa: “bội thực” mà “đột tử”. Vấn đề ở đây, chủ yếu, nằm ở sự hiểu biết về “cách ăn”, về “chế độ dinh dưỡng”. Vấn đề này không phải tự nhiên ai cũng biết. Đó là chuyện của kinh nghiệm, của khoa học, của tư tưởng v.v… Điều quan trọng, là phải xác nhận tình trạng “ốm đói”, sau đó, mới có thể truy tìm nguyên nhân, rồi mới có thể “kê toa” cải thiện”.

Ở đây, tôi muốn ghi chú thêm chút xíu về vai trò của phê bình. Phê bình, không thể biến bông Cúc thành bông Hồng. Việc đi chê bông Cúc không đẹp, không quí bằng bông Hồng là một sai lầm ngớ ngẩn của phê bình… Nhưng, phê bình, có thể góp phần vào việc canh tân đất, cải tạo giống và tạo ra một môi trường thuận lợi…, để bông Cúc có thể đạt đến vẻ đẹp hoàn hảo nhất của nó, để bông Hồng v.v… và v.v…, cũng vậy. Phê bình thực sự, tự bản chất, bao giờ cũng đương đầu với thể chế, với cơ sở và các vấn đề học thuật, với các quan hệ, các chiều hướng tương tác trong mặt bằng văn hóa mỹ thuật v.v… Không ý thức, hay dị ứng với phê bình - ở ý nghĩa này - bao giờ cũng có nghĩa là… phản động.

Ở Việt Nam, đối với lãnh vực mỹ thuật, cho đến nay, đã có sự “xác nhận” và đã có một chương trình “phòng chống suy dinh dưỡng” nào được triển khai chưa? Đã có một sách lược “tăng trưởng chiều cao” cấp quốc gia nào được đề xuất chưa?

Khó nói “” mà cũng khó nói “chưa”. Khó nói “chưa”, bởi chẳng phải cho đến nay, về phương diện lý thuyết, nhà nước đề cao nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật khá cao, và về phương diện thực tiễn, nhà nước cũng bỏ tiền cho giới mỹ thuật khá nhiều đó sao? Khó nói “”, bởi thực tế, chưa có tín hiệu gì của sự đổi mới thực sự cả. Dường như, đang có sự nhầm lẫn trong cách sử dụng sự đề cao và đầu tư này của nhà nước. Các nhà quản lý, dường như, đã không thấy, hay không chịu thấy, cái thiếu lớn nhất, cơ bản nhất nơi các nghệ sĩ Việt Nam không phải là tiền đầu tư cho sáng tác, mà là một nền tảng tri thức, một sức bật tư tưởng, và một điểm tựa văn hóa…

Bao năm qua, những khoảng tiền đầu tư lớn ấy của nhà nước, dường như, chỉ tập trung cho việc “truyền nước biển” duy trì lực lượng “nghệ sĩ” phục vụ “cách mạng” và nuôi dưỡng phong trào. Nó gần như là một nỗ lực “đem muối bỏ biển”. Hãy thử xem kết quả: Bao nhiêu tiền đầu tư cho sáng tác - kêu gọi “về nguồn”, đề cao “bản sắc dân tộc”, “ca ngợi cách mạng” - nhưng cho đến nay, có ra nổi một tác phẩm nghệ thuật “bất hủ” nào không? Tất cả, đều là những thứ tầm tầm, bày ra một lần rồi đưa về đâu đó, có mặt mà vẫn cứ như không, không lưu lại trong tâm trí ai một chút gì, dù chỉ như một khái niệm…. Còn các trại sáng tác, tập trung các nghệ sĩ gọi là “cơ bản”, cũng được đầu tư tốn kém, nhưng qua các triển lãm tổng kết, quay qua quay lại cũng lẩn quẩn những tác phẩm ghi chép Tự nhiên hay Ấn tượng chủ nghĩa cũ xì, hay, thể hiện một lối tư duy Tượng trưng chủ nghĩa - thực ra, phần lớn là minh họa ý niệm thô thiển. Nếu lấy số lượng “tác phẩm” có được làm tiêu chuẩn đánh giá, thì các trại sáng tác này thành công. Nhưng trong nghệ thuật, số lượng, thực ra, đâu có ý nghĩa gì. Không có “chất”, thì “lượng” lớn đến đâu rồi cũng tiêu tán không dấu vết. Không biết có ai làm công việc phân tích, tổng hợp các thành phần tham gia và kết quả các trại sáng tác này một cách hệ thống chưa? Nhưng, nếu có ai đã làm, tôi tin chắc, chỉ còn biết thở dài. Tôi đã từng nghe loáng thoáng từ ai đó: “Các trại sáng tác, chỉ là để hợp thức hóa chuyện mấy ông trốn vợ đi chơi!”. Đùa, nhưng không hẳn không có chút sự thực nào. (Cho đến nay, tiêu chí cho các trại sáng tác này vẫn hết sức không rõ ràng. Nếu lấy “bám sát hiện thực”, “đi vào thực tế đời sống nhân dân”… làm tiêu chí, thì khá nhiều ông họa sĩ “Siêu thực tiêu diêu” hay “Trừu tượng mơ màng” rất hay đi, chẳng nên đi làm gì; nếu lấy “môi trường thể nghiệm” làm tiêu chí, thì sự đầu tư theo kiểu phát cho mỗi người vài mét vải bố, cấp ít tiền mua sơn, mua dầu như vẫn làm, lại trở thành một … “chuyện đùa”…)

Trong khi đó, thực tế:

Với các nghệ sĩ, đi tìm “nguồn dinh dưỡngduy trì và phát triển khả năng sáng tạo, cho đến nay, cơ bản, vẫn loay hoay và cầu âu theo kiểu “hái lượm” và “săn bắn”. Vẫn có những cơ sở chuyên “sản xuất và phân phối lương thực, thực phẩm” đấy, nhưng sản phẩm, không thể nói khác, vừa quá nghèo nàn, ít giá trị dinh dưỡng, vừa meo mốc, thậm chí, còn cả đồ phế thải, đồ giả…

Đa số vẫn “thiếu ăn”, đã đành. Oái oăm, lắm người “dư ăn” mà “ốm đói”. “Ăn sống nuốt tươi”, không chọn lọc và không điều độ v.v…, dường như, cũng đang là hiện tượng phổ biến… Thì cũng có các “trung tâm dinh dưỡng” đấy, nhưng hoạt động, không thể nói khác, cũng chỉ dừng lại ở mức khuyên bảo: thôi thì cứ ăn khoai, ăn sắn… như cha ông, hay ăn những thứ chế biến sẵn, đã được kiểm nghiệm, đóng hộp cho chắc! v.v…

Tôi thực lòng không có ý định bỡn cợt trong những dòng trên, Đó là điều và kiểu các họa sĩ vẫn nói với nhau nơi “vỉa hè”, ở những giây phút thực lòng. Tôi đưa vào bài, bởi cảm thấy nó đúng, và đắc. Không tin, cứ thử đi vào vài ngóc ngách:

- Cho đến nay, ở Việt Nam, đã có một công trình lý luận nào bàn về mối quan hệ giữa công chúng với nghệ thuật, hay, một công trình nghiên cứu xã hội học nào về công chúng mỹ thuật Việt Nam đương đại chưa? Câu trả lời chắc chắn là chưa. Chưa, nên đến giờ, vẫn còn lắm người cứ lải nhải về chuyện “phải vẽ sao cho công chúng hiểu”, “vẽ để phục vụ công chúng”, hay vẫn cứ lấy “sự tiếp nhận của công chúng” làm tiêu chuẩn đánh giá nghệ thuật… Và, thường xuyên tự mâu thuẫn khi khệnh khạng cho “thị trường” chỉ có “suy đồi”…

- Cho đến nay, ở Việt Nam, đã có một công trình lý luận nào biện biệt sự tác động qua lại giữa cái nghệ-thuật-là với cái nghệ-thuật-làm căn cứ trên các thành tựu trí tuệ của nhân loại cho đến ngày nay, làm cơ sở cho sự định hướng sáng tác và phê bình… hay chưa? Câu trả lời chắc chắn cũng là chưa. Chưa, nên đa số họa sĩ, cho đến giờ, vẫn còn loay hoay trước các vấn đề cũ xì về chức năng của nghệ thuật, về các mối quan hệ nghệ thuật với chính trị, với đạo đức v.v…, vẫn cứ lúng túng trước sự phán xét: “nghệ thuật đang không theo kịp cuộc sống”, vẫn cứ tự tin lảm nhảm về sự “thành thật” của mình khi sáng tác, vẫn nhập nhằng lẫn lộn giữa yếu tính với chức năng, dẫn đến, cũng mơ hồ về bản chất và qui luật vận động và phát triển của nghệ thuật khiến cái nhìn lịch sử trở nên ngưng đọng, hay cứ mãi sa đà vào những chuyện sinh hoạt, những chuyện “râu ria” ngoài rìa nghệ thuật v.v…

- Cho đến nay, ở Việt Nam, đã có một công trình nghiên cứu nào về các lý thuyết nghệ thuật của nhân loại mà các ứng dụng của nó đang ảnh hưởng rất nhiều đến các họa sĩ Việt Nam… để làm cơ sở chọn lọc cho sự tiếp thu, học hỏi hay chưa? Câu trả lời chắc chắn cũng là chưa. Chưa, nên mới có lắm ngộ nhận ngớ ngẩn như tôi đã nêu trong bài trước (Phê bình mỹ thuật: một chuyện thừa?); nên đến giờ, vẫn còn rất nhiều người, kể cả trong giới sáng tác, vẫn nói “linh tinh lang tang” về Trừu tượng, về Siêu thực, như đã thấy ở khắp mọi nơi, chưa kể đến những thứ mới hơn chút xíu như Installation, như Performance v.v…

- Ngay cả một công trình lý thuyết tương đối hệ thống về Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa trong mỹ thuật - được xem là chính thống ở Việt Nam - suốt mấy chục năm qua hầu như cũng không có. Không, nên “cái nhìn chủ đạo”, thực chất, cũng không thành, giới sáng tác trung thành rốt cuộc cũng chỉ dừng lại mãi ở tư cách nghiệp dư, chỉ còn là những “động thể thừa hành” theo “cái nhìn chỉ đạo” của các cán bộ tuyên huấn, các nhà chính trị, thể hiện qua một số tín điều, một số khẩu hiệu, thậm chí là một số mệnh lệnh…, khiến phần lớn, sa vào minh họa, mô tả giản đơn, thậm chí thô thiển, dung tục. Và do đó, trước hoàn cảnh mới, trước yêu cầu đổi mới, cũng không thể có một sự tự phù định, vượt qua chính mình…

- Oái oăm hơn nữa, ngay cả một công trình mỹ thuật sử Việt Nam hiện đại cho tử tế cũng không có. Điều đó thể hiện một sự mơ hồ về cái điều chúng ta vẫn hay nói: sự phát triển. Với sự mơ hồ như vậy, không biết đâu là mốc, sẽ không ai biết thế nào là mới, thế nào là cũ. Khái niệm “đương đại”, do đó, cũng mơ hồ (bởi vậy mà không ít họa sĩ đã nhầm lẫn đương đại là những gì mới nhất ở những đâu đâu…), thậm chí, ngay cả khái niệm “bản sắc”, cũng mơ hồ nốt (chẳng lạ gì, không ít người nghe nói về “bản sắc” là bấu ngay vào nghệ thuật dân gian, vào cái gọi là “văn hóa làng” này nọ, làm như “bản sắc” là một cái gì vĩnh cửu, đã định hình ngay từ thuở xa xưa…)

- V.v… và v.v…

Tại sao lại có sự nhầm lẫn thảm hại như vậy? Tại sao lại có nhiều bất cập đến vậy?

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất nằm ở cung cách quản lý lạc hậu trong cách nhìn nghệ thuật. Cách nhìn ấy, cơ bản, vẫn xem nghệ thuật là phương tiện, vẫn xem nghệ sĩ là công cụ, vẫn bám chặt vào truyền thống Hiện thực và Lãng mạn chủ nghĩa và vẫn tin rằng ở đó có những giá trị tuyệt đối và vĩnh cửu…

Đặc điểm của cung cách quản lý ấy là gì? Theo tôi, có hai đặc điểm chính:

Thứ nhất, đó là cách nhìn gắn liền với tư duy thời chiến: Nó vừa đơn giản hóa vấn đề vừa đậm màu sắc duy ý chí. Trong một bài viết cũ, tôi đã từng đề cập đến vấn đề này, để cho tiện, tôi trích lại ở đây: “Thời chiến tranh, để giành chiến thắng, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực nhằm cấu thành một lực lượng mạnh, thống nhất. Người nghệ sĩ lúc này cũng là chiến sĩ, là cán bộ. Nhiệm vụ của họ là góp phần thuyết phục, liên kết các thành phần cơ bản làm nên lực lượng mạnh và thống nhất đó; góp phần hướng tâm trí mọi người vào những vấn đề lớn, chung và kêu gọi sự hy sinh bản thân. Nghệ thuật ở đây, trong một mức độ nhất định, đồng nghĩa với nghệ thuật tuyên truyền, cổ động. Nó phải đi vào cuộc sống, phải dễ hiểu với số đông công chúng, phải có nội dung tư tưởng sáng rõ, và cần thông qua các hình tượng mang tính điển hình. Mọi mong muốn tìm tòi, thể nghiệm đổi mới nghệ thuật về hình thức và ngôn ngữ, là lý tưởng, là nhu cầu tự nhiên nơi người nghệ sĩ, đành phải tạm gác lại. Và đồng thời, yêu cầu phổ cập kiến thức nghệ thuật, nâng cao trình độ nhận thức nghệ thuật nơi số đông công chúng, cũng chỉ dừng lại ở mức độ thích ứng với nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động của nghệ thuật… Cho đến ngày nay, chúng ta cần phải tỉnh táo và thẳng thắn thừa nhận điều kiện bất thường của cuộc sống thời chiến đã đòi hỏi nghệ thuật phải tồn tại khác thường. Đó chỉ là giải pháp tình thế, là khả chấp trong điều kiện thời chiến… Giải pháp này không thể kéo dài trong bối cảnh hòa bình dựng xây đất nước đang cần huy động mọi nguồn lực sáng tạo hiện nay. Bối cảnh mới đòi hỏi một tư duy thích ứng. Cần trả nghệ thuật về với đời sống bình thường của nó và cần nhìn nhận nó đúng theo các khả năng và các chiều quan hệ tự nhiên của nó. Chúng ta cần một cái nhìn cởi mở và rộng mở.”

Thứ hai, nó gắn liền với tư duy bao cấp thời trước đổi mới: lối tư duy này xuất phát từ cách nhìn độc đoán, biến cán bộ quản lý thành những kẻ có vai trò lãnh đạo tối thượng về nghệ thuật. Theo đó, ông thủ trưởng một cơ quan là kẻ am hiểu nghệ thuật sành nhất, có viễn kiến về nghệ thuật cao nhất, một trọng tài đáng tin cậy nhất về cái đẹp, v.v… Để hoạch định chính sách nghệ thuật, người ta mời thủ trưởng. Để đánh giá tranh, người ta cũng mời thủ trưởng, v.v… Trong lối tư duy bao cấp ấy không có chỗ đứng của những chuyên gia.

Những chuyên gia trong lãnh vực mỹ thuật là ai? Có nhiều. Nhưng nổi bật nhất là:

a) các lý thuyết gia về nghệ thuật và mỹ học
b) các nhà phê bình
c) các nhà lịch sử mỹ thuật
và d) các curators.

Nói chung, quản lý theo tư duy thời chiến và tư duy bao cấp như vậy bóp chết con đường của các lý thuyết gia, gây khó khăn cho các nhà phê bình, làm nản lòng các nhà lịch sử nghệ thuật và quan trọng nhất, ngăn chận sự xuất hiện và lớn mạnh của các curators.

Không có các chuyên gia thực sự, các chương trình “phòng chống suy dinh dưỡng” dù có được triển khai, các sách lược “tăng trưởng chiều cao” cấp quốc gia dù có được đề xuất, thì tất cả cũng chỉ là sự trượt dài theo những điều đã thấy-nói trên. Mỹ thuật Việt Nam, vẫn tiếp tục “ốm đói”, “dặt dẹo”, vẫn tiếp tục mơ những giấc mơ cao sang không bao giờ thành hiện thực…!






Nguyên Hưng
(2005)

Không có nhận xét nào: