11 thg 7, 2013

PHÊ BÌNH MỸ THUẬT: CẦN CHO AI?

Phê bình cần cho ai? Ðể có câu trả lời thấu đáo chắc chắn phải dài dòng. Nhưng nhìn vào thực tế trước mắt, điều có thể nói ngay, là dường như chẳng có ai cần đến phê bình. Họa sĩ, số đông, không thèm đọc phê bình. Công chúng, càng không thèm đọc (Hệ quả là báo chí cũng hiếm khi đăng tải các bài viết phê bình thực sự). Và, lạ, ngay cả tổ chức Hội Mỹ Thuật, từ trung ương đến địa phương, tuy có dòm ngó tới lực lượng phê bình, nhưng sự quan tâm, xem ra cũng hết sức qua loa. Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, với số lượng hội viên lên đến hàng ngàn, mà một tờ tạp chí mỹ thuật vẫn không ra nổi. Cả nước, đến giờ, chỉ có hai tờ Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhưng một tờ là "cái gì đâu đâu!", còn tờ "đúng là Mỹ thuật" thì mảng phê bình cũng chỉ lèo tèo...

Tại sao?

Với họa sĩ. Một số cho phê bình đang có là "dưới tầm"- toàn một kiểu "nói leo", "nói lặp", "nói cố", "vừa hời hợt vừa hợm hĩnh"- không đáng đọc. Một số khác, với niềm tin tài năng sáng tạo là cái gì thiên phú, tiền định, không ai có thể cân chỉnh hay vạch đường chỉ lối cho ai được, nên, không chỉ không đọc phê bình, mà thậm chí, không thèm đọc gì hết. Một số khác nữa, chỉ cần đến phê bình như một thứ công cụ quảng cáo. Trong mắt họ, phê bình nếu không phải là những tên "chọc gậy bánh xe" thì cũng là những kẻ "cơ hội" v.v...

Với công chúng, có lẽ mười mươi đã rõ, ngay với mỹ thuật nói chung họ đã "kính nhi viễn chi" rồi nói gì đến phê bình.

Còn Hội Mỹ thuật các cấp, tại sao cũng lơi lỏng phê bình? Ðây là điều lạ. Tại không có kinh phí tổ chức hoạt động chăng? Tại không tập hợp được lực lượng chăng? Hay cũng tại cho rằng phê bình là chẳng cần cho ai? Hay, khác nữa, tại hoàn toàn không muốn có phê bình?

Chưa cần đi sâu phân tích các nguyên do và chưa cần bàn chuyện đúng, sai ở đây. Chỉ riêng vấn đề phê bình không thực sự tồn tại, cũng đủ để kết luận: mỹ thuật Việt Nam là một nền mỹ thuật bất hạnh.

Bất hạnh. Bởi:

Một, không có phê bình, môi trường mỹ thuật không được bảo vệ trước sự xâm lấn của các yếu tố phi nghệ thuật, của đủ các loại ảo tưởng và ngộ nhận tồn tại trong xã hội. Không lạ gì, cho đến nay, không ít họa sĩ Việt Nam vẫn cứ "đánh đu" giữa đủ các loại mục đích khác nhau bên ngoài nghệ thuật. Người thì như những "cán bộ mỹ thuật", người thì như những "thiền sư, đạo sĩ", người thì như những "nhà giả kim thuật", hay những chuyên gia "sinh sản vô tính" v.v... Cái "giả hình" và các khuynh hướng nghiệp dư tràn lan. Còn các họa sĩ trẻ thì bối rối, đa số không còn phân biệt được đâu là nghệ thuật đâu là phi nghệ thuật nữa. Nhiều người hăng hái đi tìm những thứ đang được cho là mới như "Sắp đặt", "Biểu diễn" và phải lần mò với tâm trạng vừa cả tin vừa hết sức bảo thủ.

Hai, không có phê bình, hệ thống giá trị mỹ thuật không được phân định. Cái bác học với cái phổ cập, cái mới với cái mơi mới, sự tiếp thu, học hỏi với bắt chước, nhai lại v.v... không được phân biệt. Ðiều đó có nghĩa bản thân nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại cũng trở nên không thật tồn tại. Trong bối cảnh đó, các nghệ sĩ sẽ mãi mãi là những kẻ lữ hành cô độc. Mọi tìm tòi sáng tạo rơi vào hư không. Sẽ không bao giờ có cái được gọi là tiên phong - cái mới bị cái cũ vùi dập và bị cái thời thượng che lấp. Ngay cả các nỗ lực đi tìm bản sắc cũng sẽ trở thành vô vọng. Ai cũng nói về tính dân tộc này nọ trong mỹ thuật, nhưng chẳng có ai chỉ ra được những cái mã (codes), những qui ước văn hóa thực sự mang bản sắc Việt Nam trong ngôn ngữ tạo hình. Ðến nay vẫn loanh quanh một kiểu nói chung chung, mơ hồ. Không phải ngẫu nhiên cho đến nay, không ít họa sĩ Việt Nam vẫn cứ đánh đu giữa đủ các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại khác nhau với nghệ thuật dân gian. Họa sĩ thì đông, tranh tượng thì nhiều, triển lãm cũng lắm, nhưng đóng góp gì để làm nên cái riêng của mỹ thuật Việt Nam làm phong phú thêm cho kho tàng nghệ thuật nhân loại thì dường như chẳng có gì đáng kể.

Ba, như một hệ quả đương nhiên, khi môi trường mỹ thuật không được bảo vệ và khi hệ thống giá trị mỹ thuật không được phân định, nói cách khác là khi mà các giá trị nghệ thuật chưa được quy phạm hóa, điển phạm hóa, khi mà phê bình chưa phân lập được các kênh (giao tiếp), các trường (quan hệ), các ngưỡng, độ (giá trị) của các khuynh hướng nghệ thuật cùng tồn tại trong các mối quan hệ thực tại đa chiều... thì trước hết, không thể tiến hành được các hoạt động phổ cập kiến thức mỹ thuật, không thể tiếp thu học hỏi được điều gì thực sự ở nhân loại, không thể chuyển hóa được các giá trị nghệ thuật có được thành các giá trị văn hóa. Ðiều đó có nghĩa, không thể xây dựng được một nền văn hóa mỹ thuật trong một cấu trúc chỉnh thể hữu cơ và riêng biệt. Cả nền mỹ thuật, do đó không có nền móng, không thể bảo toàn được năng lượng cho sự vận động, phát triển. Và thực tế, trở thành cái gì hết sức phù phiếm, vô ích, vô nghĩa. Ðiều này giải thích lý do tại sao, cho đến nay, công chúng vẫn quay lưng trước mọi biến động của đời sống mỹ thuật trong nước, vẫn cứ treo những ấn phẩm trang trí vớ vẩn nhập từ nước ngoài trong nhà; giới sáng tác luôn tự hào về những thành tựu "hội nhập" với "về nguồn" của mình, nhưng các lãnh vực mỹ thuật ứng dụng thì không thể hấp thụ được gì từ đó để phát triển; còn các họa sĩ trẻ thì loay hoay không biết khai thác năng lượng ở đâu cho sự sáng tạo... Mà thực ra, ngay chính Hội Mỹ thuật các cấp, có nhiều dấu hiệu cho thấy, cũng đang rối bời, không biết làm gì để kích hoạt cho sự vận động, phát triển của nền mỹ thuật nước nhà v.v... và v.v...

Nói chung, không có phê bình, nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, đã không có hiện tại cũng sẽ chẳng có tương lai.


Bằng tất cả ý thức về sự bất hạnh của nền mỹ thuật Việt Nam hiện tại, và các nguyên nhân của nó như vậy, không ai có thể nói phê bình mỹ thuật là chẳng cần cho ai. Nếu chẳng có ai cần phê bình, thì trước hết là bởi bản thân phê bình chưa phải là phê bình. Và tiếp theo, có lẽ, là bởi ai cũng chưa phải là ai!





Nguyên Hưng
(2000)

Không có nhận xét nào: